News

Thay thế nhiên liệu truyền thống trong sản xuất xi măng - giải pháp cho môi trường

Friday, 24/08/2018, 13:08 GMT+7 2013
Friday, 24/08/2018, 13:08 GMT+7
Hiện nay, cả nước có khoảng 82 dây chuyền xi măng, tổng công suất thiết kế là 97 triệu tấn/năm, đến năm 2020 đạt 130 triệu tấn/ năm, đến năm 2030 sẽ là 139 triệu tấn/năm. Như vây, nhu cầu năng lượng để sản xuất xi măng là rất lớn, nếu có thể tái chế chất thải công nghiệp làm nhiên liệu thay thế cho sản xuất xi măng sẽ góp phần mang lại hiệu quả lợi ích to lớn trong việc bảo vệ môi trường cũng như tiết kiệm được tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo phát triển bền vững cho đất nước. Hội thảo “Xử lý chất thải làm nhiên liệu cho sản xuất xi măng" mới được tổ chức góp phần giải quyết vấn đề này.

LOESCHE, tập đoàn đến từ Cộng hòa liên bang Đức, chuyên cung cấp các thiết bị quan trọng cho ngành công nghiệp xi măng, điện tử và ngành thép. LOESCHE đã thu được nhiều thành công từ nhiều dự án trên khắp thế giới, đặc biệt họ có kinh nghiệm trong thu gom và xử lý chất thải làm nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng. Hơn một thế kỷ thành lập, LOESCHE đã có sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt Nam và Hội vật liệu Xây dưng. Với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ, LOESCHE đã phối hợp với Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên ngành “Xử lý chất thải làm nhiên liệu thay thế cho sản xuất xi măng” vào ngày 22/8/2018 tại Hà Nội. Hội thảo đã được sự quan tâm của nhiều cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các Hội chuyên ngành, các trường đại học, viên nghiên cứu…

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh phát biểu tại Hội thảo
    Ảnh: Vĩnh Hà

Những năm qua, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam, bên cạnh sự tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng nhanh chóng chất thải sinh hoạt và chất thải trong quá trình sản xuất, dịch vụ, thương mại đã gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường, ảnh hưởng xấu đến cảnh quan đô thị, chất lượng sống của cộng đồng và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Việc nghiên cứu tái chế các chất thải rắn làm nguyên liệu cho các loại vật liệu xây dựng đã được các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức khoa học, doanh nghiệp… quan tâm. Ngành vật liệu xây dựng đã nghiên cứu sử dụng các chất thải trong công nghiệp như là: tro, xỉ, thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất, luyện gang, luyện thép để sản xuất vật liệu xây dựng và làm phụ gia trong xi măng. Điều này đã góp phần đáng kể trong việc xử lý chất thải rắn, giải quyết vấn đề ô nhiễm, đổ thải, xử lý môi trường cho các nhà máy công nghiệp. 
 

Chất thải đã được xử lý đựng trong lọ này được LOESCHE đem đến tại Hội thảo
  Ảnh: Vĩnh Hà

Hiện nay, cả nước có khoảng 82 dây chuyền xi măng, tổng công suất thiết kế là 97 triệu tấn/năm, đến năm 2020 đạt 130 triệu tấn/ năm, đến năm 2030 sẽ là 139 triệu tấn/năm. Như vây, nhu cầu năng lượng để sản xuất xi măng là rất lớn, nếu có thể tái chế chất thải công nghiệp làm nhiên liệu thay thế cho sản xuất xi măng sẽ góp phần mang lại hiệu quả lợi ích to lớn trong việc bảo vệ môi trường cũng như tiết kiệm được tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo phát triển bền vững cho đất nước.

Ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam tin tưởng, với những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình hợp tác trong ngành xi măng Việt Nam, Tập đoàn LOESCHE đã giúp các nhà máy xi măng đạt hiệu quả cao trong việc giảm tiêu hao điện năng và nhiệt năng từ các công đoạn nghiền liệu, nghiền than, nghiền xi măng và cả trong nung luyện clanhke thì cũng sẽ tiếp tục thành công trong việc xử lý chất thải làm nhiên liệu phối hợp thay thế một phần các nhiên liệu truyền thống trong sản xuất xi măng.

Tiến sỹ Thomas, Giám đốc Điều hành Tập đoàn LOESCHE tự hào vì họ đã chế tạo ra những nhà nhà máy xử lý chất thải đảm bảo môi trường lành mạnh và không gây mùi. Những nhà máy có thể bóc tách các thành phần đốt cháy ra khỏi các tạp chất hữu cơ. Những chất đốt cháy có thể được đốt trong lò tại các nhà máy xi măng và các chất hữu cơ sẽ hoặc là được chôn lấp có kiểm soát hoặc được sử dụng trong công tác hoàn thổ tại các mỏ khai thác khoáng sản phương pháp mở. Ông khẳng định, với khả năng chuyên môn tinh thông và kinh nghiệm của LOESCHE sẽ đóng góp trong việc giải quyết những vấn đề tầm quốc gia về quản lý chất thải của Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội thảo của Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam và Tập đoàn LOESCHE. Mong rằng, Hội thảo sẽ giới thiệu công nghệ mới, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong xử lý chất thải phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam. Để quản lý và sử dụng chất thải rắn phát sinh trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa…Thứ trưởng đề nghị, các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất xi măng tái sử dụng chất thải làm nhiên liệu thay thế các nhiên liệu truyền thống.

Vĩnh Hà

(Nguồn tapchinguoixaydung.vn)