News

Chuyên gia ngành Xây dựng nói gì, sau vụ “động đất” vừa qua tại Hà Nội

Monday, 15/10/2018, 08:02 GMT+7 1618
Monday, 15/10/2018, 08:02 GMT+7


Tập thể cũ ở Hà Nội trước nỗi lo động đất

Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết: Về động đất hay địa chấn, là sự giải phóng năng lượng đột ngột của vỏ trái đất gây nên. Việt Nam không có động đất thường xuyên, tuy nhiên cũng đã ghi nhận một số trận động đất từng xảy ra trong lịch sử. Cụ thể, năm 1935, động đất tại Điện Biên đo được 6,75 độ richter; năm 1983, cũng tại Điện Biên đo được 6,8 độ richter và có ảnh hưởng nhẹ đến Hà Nội.

Ông Hùng cho biết, trong các thiết kế xây dựng của Việt Nam đều có tính toán đến phòng chống động đất. Cụ thể, năm 2006, Bộ Xây dựng ban hành tiêu chuẩn số 375 về thiết kế chống động đất. Cho đến năm 2012, Bộ Xây dựng tiếp tục bổ sung tiêu chuẩn mới số 9386, trong đó ghi rõ công trình bắt buộc phải được thiết kế chống động đất. Ngoài ra, trong tiêu chuẩn có phân loại các vùng khác nhau, phân theo từng loại công trình (công trình đặc biệt, công trình cao tầng...). Tất cả các thiết kế cao tầng đều được Bộ Xây dựng ban hành theo tiêu chuẩn Việt Nam, các nhà thiết kế đều đã tính toán đến động đất trong bản tính toán kết cấu của mình. Hà Nội thuộc khu vực động đất cấp 7 theo hệ MCS, tuy nhiên, theo quy định thì công trình sẽ phải thiết kế tăng lên 1 cấp, tức là đủ khả năng ứng phó với động đất cấp 8. Nếu tất cả các công trình đều được thẩm định kĩ càng, trong quá trình xây dựng tuân theo thiết kế thì không có vấn đề đáng lo ngại. Do vậy, người dân Thủ đô, đặc biệt là cư dân chung cư không nên quá lo lắng, hoảng sợ.

Tiến sĩ Trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng nhấn mạnh: “Các cơ quan nhà nước và cơ quan thẩm định nên cẩn trọng hơn dù chúng ta nằm ngoài rìa của đứt gãy lớn và không có động đất thường xuyên. Nhưng biến đổi khí hậu ngày càng thất thường, do vậy chúng ta nên nâng mức độ ứng phó với gió bão và động đất lên 1,2 bậc sẽ an toàn hơn.

Ông Hùng cũng cảnh báo các công trình xây dựng trước 2005, khi chưa ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, cần kiểm tra lại kĩ càng và có biện pháp phòng chống động đất.

PGS. TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (ảnh : Việt Dũng)

PGS. TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Thiết kế công trình xây dựng phải phụ thuộc vào điều kiện địa chất ở các khu vực. Nếu công trình nằm trong vùng động đất thì phải thiết kế theo tải trọng của động đất gây ra.

“Các địa phương khi xem xét hồ sơ thiết kế bao giờ cũng phải đặt vấn đề nếu công trình nằm trong vùng có cấp động đất thì đã thiết kế theo cấp động đất chưa. Chúng ta nằm trong vùng động đất nhỏ, cùng với đó các kết cấu hiện nay đặc biệt là kết cấu nhà cao tầng bê tông cốt thép được kiểm soát tốt. Chúng ta cũng có quy chuẩn, tiêu chuẩn đối phó với động đất nên người dân có thể yên tâm”, ông Chủng khẳng định.

Cũng theo vị chuyên gia này, nước ta không nằm trong vùng vành đai lửa Thái Bình Dương nên động đất thường là cấp độ trung bình. Khu vực Hà Nội hiện nay đã có bản đồ phân vùng về cấp động đất. Các công trình ở Hà Nội hiện nay đều được thiết kế, tính toán đến tải trọng của động đất và gió bão. Động đất ở Hà Nội chủ yếu là cấp 7 một vài vùng có cấp 8. Những rung chấn vừa rồi không quá lo ngại.

Ths-KTS Nguyễn Cao Luận - Chủ tịch HĐQT Cty CP kiến trúc Nhà Việt

Trên cương vị là kiến trúc sư, ông Nguyễn Cao Luận, Chủ tịch HĐQT Cty CP kiến trúc Nhà Việt cho biết: “Theo tôi, người dân không nên lo lắng thái quá về sự rung chấn vừa qua tại Hà Nội. Bởi vì những thiết kế của các tòa nhà cao tầng hiện nay đều tuân theo quy chuẩn, tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng. Cụ thể, các công trình đều có bố trí lõi cứng là bê tông cốt thép nên giữ được sự ổn định cao. Hiện nay, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ngày càng xuất hiện nhiều nhà cao tầng. Tuy nhiên, các thiết kế đều xây dựng kết cấu hoàn toàn phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam. Ngày nay, các công trình đều sử dụng mác bê tông 400-500 nên sẽ an toàn với điều kiện động đất. Do đó, bê tông cốt thép mác cao sẽ chịu đựng được ảnh hưởng của rung lắc nhẹ trong điều kiện của Việt Nam”.

Ngoài ra, ông Luận cho rằng, để nâng cao chất lượng của các công trình, cơ quan chức năng, cấp có thẩm quyền cần cụ thể hóa tiêu chuẩn, điều kiện mà chúng ta đang áp dụng. Với các tòa nhà cao tầng, khi xây dựng cần đặc biệt chú trọng quy định về mác bê tông, lõi công trình và điều kiện nền móng chịu tải trọng xô ngang.

Trước đó, sáng ngày 8/9 vừa qua, theo Thông tin từ Viện Vật lý Địa cầu, vào hồi 9 giờ 31 phút (giờ Hà Nội) một trận động đất xảy ra tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, cách ranh giới huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu khoảng 118km. Tuy nhiên, tại Hà Nội, người dân tỏ ra vô cùng lo lắng, hoảng hốt khi bất ngờ cảm nhận sự rung lắc mạnh, được mô tả giống như động đất trong khoảng thời gian ngắn. Hiện tượng này được ghi nhận đã xảy ra ở nhiều địa điểm tại khu vực Hà Nội như: Lương Yên-Trần Khát Chân, Hồ Vĩnh Hoàng - Hoàng Mai, Tam Trinh, Thái Hà, Cầu Giấy... và đặc biệt rõ ràng tại các tòa chung cư.

Diệu Anh – Khánh Hòa

(nguồn baoxaydung.com)