News

GIẢI PHÁP KINH TẾ TUẦN HOÀN CHO NGÀNH XÂY DỰNG

Thursday, 26/01/2023, 08:58 GMT+7 459
Thursday, 26/01/2023, 08:58 GMT+7

Hiện nay, ngành xây dựng của nước ta đang tiêu tốn nhiều nhân lực và nguyên liệu thô nhất: 30% nguồn tài nguyên, 40% nguồn năng lượng và 12% lượng  nước. Ngành xây dựng tạo ra 40% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu. Khi áp dụng kinh tế tuần hoàn, chúng ta sẽ giảm được 38% lượng khí thải CO2. Chính vì vậy, việc thế giới phải đi tới nền kinh tế tuần hoàn là một điều bắt buộc.


Cơ hội đầu tư nền kinh tế tuần hoàn có 5 ngành. Đứng đầu là xây dựng, thứ hai là ngành giao thông, thứ ba là ngành bao bì nhựa, thứ tư là ngành thời trang và thứ năm là ngành thực phẩm. Riêng đối với ngành xây dựng thì có hai bộ, bộ thứ nhất là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tái chế và tái sử dụng. Bộ thứ hai là cải tạo và nâng cấp các tòa nhà. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện ngành xây dựng tuyến tính theo mô hình 'take - make - waste' khai thác vật liệu thô để xây dựng và sau khi được sử dụng, các tòa nhà sẽ bị phá hủy và vật liệu thường bị loại bỏ hoặc tái chế. 
 

Mô hình kinh tế tuần hoàn cho ngành xây dựng 
 

Một mô hình nền kinh tế tuần hoàn trong ngành xây dựng có 5 mảng chính. Ngành thứ nhất là thiết kế cung ứng. Trong đó gồm tính linh hoạt, thiết kế mô đun, tính lâu bền, thiết kế để tháo dỡ và loại bỏ chất thải, cung ứng vật liệu xanh. Thứ hai là xây dựng gồm các tiêu chuẩn: ngăn ngừa làm giảm chất thải, tái sử dụng các sản phẩm phụ và tái chế, sản xuất ngoài khu vực công trường. Thứ ba là vận hành và sử dụng, gồm các chuẩn như bảo dưỡng bao gồm thông tin số hóa, chia sẻ thiết bị và không gian, tái chế. Thứ tư, cải tạo và sửa chữa, bao gồm cải tạo và trang bị thông minh, tái sử dụng sáng tạo. Thứ năm là dỡ bỏ, bao gồm phương án trước khi dỡ bỏ, lựa chọn kỹ thuật dỡ bỏ, phân loại, tái sử dụng và tái chế. Cuối cùng là sản xuất vật liệu xây dựng: sản phẩm lâu bền có thể sửa chữa và có thể tái chế. 
 

10 mô hình tuần hoàn đặt ra cho ngành xây dựng gồm có thiết kế xanh, phần mềm thiết kế tiên tiến, vật liệu xây dựng có thể làm mới, vật liệu xây dựng có thể tái chế, xây dựng hiệu quả về tài nguyên, tái chế vật liệu dư thừa, dịch vụ năng lượng hiệu quả, dịch vụ chia sẻ không gian, kéo dài tuổi thọ tòa nhà, nâng cấp nguyên liệu cuối dòng đời. 


 

-1293-1673319505


 

Tập quán của ngành xây dựng chúng ta là xây dựng tuyến tính. Hiện nay, chúng ta đang tập trung lớn nhất cho khâu loại bỏ phế thải. Sau đó chúng ta tập trung rất mạnh cho vấn đề tái tạo năng lượng. Chúng ta bỏ rất nhiều chi phí vào đấy nhưng đối với phát triển bền vững thì lại lật ngược lại mô hình đó lại. Trong đó tái tạo năng lượng và loại bỏ phế thải ít tập trung hơn vì giải pháp nền kinh tế tuần hoàn là đã tính toán tối ưu để không loại bỏ phế thải, không cần phải tái tạo lại năng lượng nữa để tập trung vào việc tái chế nguyên liệu, tái chế để sử dụng lại, quan trọng nhất là tái sử dụng các bộ phận và sử dụng lại toàn bộ tòa nhà. 
 

Có 6 yếu tố để thành công khi áp dụng nền kinh tế tuần hoàn trong ngành xây dựng. Thứ nhất là chúng ta xem xét lại toàn bộ chuỗi cung ứng: các mô hình kinh doanh thành công chỉ có thể được hình thành và triển khai nếu tất cả nhà cung cấp ưu tiên tính tuần hoàn hơn các phương pháp tiếp cận tuyến tính. Thứ hai, xem xét lại toàn bộ tuổi thọ của dự án: phân tích các dòng vật chất và năng lượng trong toàn bộ vòng đời của một dự án xây dựng và tối ưu hóa hiệu quả. Thứ ba, tạo ra một hệ sinh thái hợp tác: sự chuyển đổi toàn diện chỉ có thể đạt được bằng cách hợp tác trong toàn bộ chuỗi cung ứng, các nhà đầu tư, thiết kế và xây dựng phải tạo ra một hệ sinh thái. Thứ tư, nắm bắt công nghệ kỹ thuật số. Đổi mới và R&D là những yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho các mô hình kinh doanh tuần hoàn trong xây dựng. Thứ năm, xây dựng quy trình hoạch định kinh doanh: một cách tiếp cận nghiêm ngặt là rất quan trọng để vượt trội trong lĩnh vực  này. Xây dựng các khả năng cần thiết và tạo chiến lược đầu tư bao gồm 'làm hoặc mua'. Thứ sáu, mở rộng và quy mô: cân nhắc việc thúc đẩy thị trường hướng tới những khách hàng hứa hẹn nhất và mở rộng quy mô các kỹ năng mới có được trong toàn tổ chức để tận dụng các mô hình kinh doanh mới.  
 

Về các tiêu chí vật liệu xây dựng xanh, thứ nhất là tự nhiên và không độc hại, thứ hai là có khả năng tái tạo, thứ ba là sản xuất bền vững, thứ tư là được chế biến và sản xuất với sự chú ý chặt chẽ đến hiệu quả sử dụng tài nguyên, thứ năm là yếu tố địa phương, thứ sáu là có thể tái chế, sử dụng, thứ bảy là bền (do đó ít phải thay thế thường xuyên hơn). Để hướng tới việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong ngành xây dựng, chúng ta phải hướng tới những sản phẩm tích cực dựa trên cơ sở 5 cốt lõi: an toàn cho con người và trái đất; làm từ các nguồn nguyên liệu tái tạo và tái chế bất cứ khi nào có thể; được sản xuất có trách nhiệm về quyền con người quyền lao động và ngăn ngừa ô nhiễm; sản phẩm sử dụng lâu bền; thiết kế cải thiện hiệu suất môi trường của ngôi nhà, chẳng hạn như về sử dụng nước và năng lượng. 
 

Bài viết của ông Đinh Hồng Kỳ - - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội SACA, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Secoin đăng trên Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn

Tags : SACA2023