News

THAY ĐỔI NHẬN THỨC ĐỂ THỰC HÀNH ESG TRONG NGÀNH VẬT LIỆU XÂY DỰNG

Friday, 10/11/2023, 15:15 GMT+7 1050
Friday, 10/11/2023, 15:15 GMT+7

Ngành vật liệu xây dựng được xem là ngành tiêu tốn nhiều tài nguyên lẫn mức độ phát thải lớn khi chiếm 40% lượng CO2 thải ra môi trường năm. Đây là thực trạng cho thấy ngành vật liệu xây dựng đang là những người cần nhanh chóng thực hành ESG (Môi trường, xã hội, quản trị) để tồn tại trong xu hướng phát triển bền vững hiện nay. Nhưng để chuyển đổi thành công đòi hỏi các doanh nghiệp trong lĩnh vực này thay đổi nhận thức để thực hành ESG một cách bài bản.

Tuy được xem là xu hướng phát triển tất yếu nhưng có không ít rào cản mà các doanh nghiệp phải đối mặt khi thực hiện cam kết ESG. Đặc biệt, trong ngành vật liệu xây dựng, xu hướng chuyển đổi còn diễn ra chậm hơn so với mặt bằng chung. Do vậy, để đẩy nhanh quá trình phát triển bền vững trong lĩnh vực này, doanh nghiệp cần phải nhận thức đúng đắn về những giá trị mà ESG mang lại để chuyển đổi từ chiến lược sang thực tế một cách hữu hiệu.

Đây là nhận định của các chuyên gia và doanh nghiệp tại “Hội thảo thực hành ESG – hướng đi cho ngành vật liệu xây dựng” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng Xi măng Fico-YTL tổ chức ngày 9-11.

ESG là hành trình chứ không phải đích đến

Theo số liệu kiểm kê phát thải nhà kính của Bộ Xây dựng, năm 2015 ngành vật liệu xây dựng phát thải 63 triệu tấn CO2 ra môi trường và năm 2020 tăng lên đến 87 triệu tấn. Dự báo con số này có thể tăng tiếp tục vào năm 2030 với lượng phát thải là 125 triệu tấn và 2050 có thể lên đến 148 triệu tấn CO2 (gấp từ 2 đến 3 lần so với năm 2015).

Hiện nay Việt Nam có 50 cơ sở sản xuất xi măng và 91 cơ sở sản xuất thép. Trong đó, lượng phát thải mà các cơ sở  sản xuất xi măng thải ra môi trường vào năm 2015 chiếm 70% lượng phát thải trong ngành vật liệu xây dựng và đến  năm 2020 là 75%. Đối với cơ sở sản xuất thép vào năm 2016 lượng phát thải ra môi trường là 12,7 triệu tấn CO2. Đây là những thực trạng cho thấy ngành vật liệu xây dựng đang là khu vực cần thực hiện nhanh chóng về việc thực hành ESG để góp phần “chuyển xanh” nền kinh tế.

toa-damCác diễn giả chia sẻ tại tọa đàm “Thực hành ESG – Từ chiến lược đến hành động cụ thể. Ảnh: Lê Vũ

Đối với Ngành xây dựng thực hành ESG liên quan đến khâu thiết kế, khai thác hiệu quả về tài nguyên trong một công trình bằng những vật liệu có khả năng tái chế được. Tuy vậy để chuyển đổi theo hướng bền vững trong chuỗi giá trị của ngành vật liệu xây dựng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Công Bảo, Giám đốc điều hành Xi măng Fico-YTL thừa nhận, sản xuất xi măng là ngành có tác động lớn nhất trong việc bảo vệ môi trường đối với ngành vật liệu xây dựng. Và rào cản mà doanh nghiệp khó thực hành ESG đó là thiếu tư duy phát triển bền vững từ đầu và đièu đó thể hiện qua việc cung – cầu của ngành xi măng. Việt Nam chưa có lộ trình cụ thể là doanh nghiệp nào sẽ cần có báo cáo ESG để hướng đến phát triển bền vững một cách bài bản.

“Nếu không có sự áp lực về xuất khẩu từ nước ngoài thì các doanh nghiệp vẫn chưa có sự chuyển đổi và thực hành ESG. Rào cản về kiến thức cũng là một sự khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải khi chưa cập nhật được kiến thức và những hướng dẫn cụ thể từ chính phủ cho việc này”, ông Bảo chia sẻ

Trong khi đó ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hội vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng, ESG không phải là bộ tiêu chuẩn mà là khung thay đổi.  Do đó ESG không phải là cái đích mà chúng ta hướng đến mà nó là một hành trình dài. Đồng nghĩa với việc khi đã xây dựng được tiêu chuẩn rồi thì phải bắt buộc duy trì thực hành liên tục cho đến đến khi nào doanh nghiệp còn hoạt động. Chính vì vậy ESG không có khung chuẩn nên là mỗi một ngành, một doanh nghiệp sẽ có một khung khác nhau.

“Việc doanh nghiệp triển khai ESG sẽ không tốn kém nhiều chi phí, chỉ là bản thân doanh nghiệp cần sắp xếp lại doanh nghiệp của mình theo các cái chuẩn của khung. Cái nào thừa thì cắt bỏ, cái nào chưa có thì bổ sung. Doanh nghiệp chỉ tốn kèm nhiều chi phí khi không xây dựng chuẩn từ đầu”, ông Kỳ nhấn mạnh.

Cần thay đổi nhận thức để hành động

Nhận thức sớm về phát triển bền vững giúp doanh nghiệp rà soát một cách tổng thể mô hình kinh doanh của doanh nghiệp để có hoạch định chiến lược phù hợp, kế hoạch hành động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. ESG “cởi trói” cho suy nghĩ của doanh nghiệp, làm sao sản xuất và tiếp thị các sản phẩm vừa “xanh” vừa tốt với chi phí hiệu quả nhất, làm sao giảm thiểu tác động của các qui định phát thải khí nhà kính… Về lâu dài, doanh nghiệp thực hành vấn đề này sẽ có lợi thế về uy tín và thương hiệu của mình trong mắt người tiêu dùng và các bên liên quan.

Đặt vấn đề về mức độ nhận thức của các doanh nghiệp trong việc thực hành ESG hiện nay như thế nào khi lượng phát thải ngành vật liệu xây dựng thải ra môi trường chiếm 40%/năm. Ông Đinh Hồng Kỳ cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp đều nghe đến Net zetro hay giảm phát thải bằng 0, nhưng các doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu khi thực hành. Và số doanh nghiệp thực hành trong ngành vật liệu xây dựng là vô cùng ít.

Ông Kỳ cũng cảnh báo, doanh nghiệp Việt Nam nếu như không áp dụng ESG hay thực hiện phân tích về dòng đời sản phẩm thì các doanh nghiệp đều không thể xuất khẩu được hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài.

Do đó nên đặt ra điều kiện với doanh nghiệp vật liệu xây dựng khi đưa sản phẩm ra ngoài thị trường cũng cần phân tích dòng đời sản phẩm với mức độ phát thải và tính trung hòa của nó. Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng cần đưa ra tuyên bố về môi trường áp dụng cho từng sản phẩm cụ thể như là xi măng, sắt thép…

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Bảo nhìn nhận, thực hành ESG là con đường tất yếu phải đi cho tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt cho ngành xi măng Việt Nam. Đây là những khoản đầu tư cho tương lai của doanh nghiệp, là mình tự cứu mình để thích ứng với luật chơi “xanh” toàn cầu. Xi măng Fico-YTL may mắn cho sự chuẩn bị tốt với báo cáo ESG đầu tiên cho năm tài chính 2023 để hướng đến những mục tiêu xa hơn.

Chia sẻ quan điểm tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Văn Quang,  Giám đốc Phân viện Vật liệu xây dựng miền Nam cho rằng, áp dụng ESG vừa là chi phí, vừa là cơ hội của Việt Nam và cả thế giới. Hiện nay, vì chế tài chưa có nên việc thực hành ESG trong doanh nghiệp chưa phổ biến. Các doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến việc thực hành tiêu chuẩn ESG thì chính phủ cũng cần đưa ra các chế tài để xử lý những trường hợp này. Nhưng để hành động một cách thực chất và có hiệu quả trước hết doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức để xây dựng được báo cáo ESG một cách bài bản.