TIN TỨC

DOANH NGHIỆP KHÔNG THỂ VƯỢT KHÓ, TĂNG TRƯỞNG NẾU CHÍNH QUYỀN 'Ì ẠCH'

Thứ năm, 13/04/2023, 08:32 GMT+7 732
Thứ năm, 13/04/2023, 08:32 GMT+7
cong-trinh-xay-dung-2
Ảnh minh họa


Mức tăng trưởng kinh tế của TP.HCM trong quý I/2023 chỉ đạt 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, có đến 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu tăng trưởng âm. Trao đổi với Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, ông Đinh Hồng Kỳ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Secoin đã lý giải nguyên nhân và đề xuất giải pháp để góp phần vực dậy nền kinh tế TP.HCM.

Mức tăng trưởng kinh tế của TP.HCM trong quý I/2023 chỉ đạt 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, theo tôi, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của việc suy thoái kinh tế chung, thị trường BĐS bị 'đóng băng', người dân và doanh nghiệp (DN) thắt chặt chi tiêu nên giảm dòng tiền lưu thông.
 

Trong sự suy thoái chung, ngành xây dựng và vật liệu xây dựng bị suy giảm nghiêm trọng. Theo thống kê của Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA), hiện 40% DN trong ngành tê liệt, nhiều DN đã phải ngừng hoạt động và rơi vào tình trạng phá sản. Những DN giảm doanh thu 30% - 35% được đánh giá là có 'sức khỏe tốt' mới trụ được như vậy. Để giải quyết khó khăn cho DN, theo tôi, chính quyền thành phố nên gỡ nút thắt cho các dự án bất động sản (BĐS), đẩy mạnh đầu tư công (các dự án như nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, các tuyến đường vành đai 2, 3, 4, các tuyến đường cao tốc, metro). Khi thành phố đẩy mạnh xây dựng các dự án này, ngành xây dựng sẽ chuyển hướng từ BĐS thương mại sang các công trình của Nhà nước. Từ đó, cơ hội tiêu thụ vật liệu xây dựng sẽ mở ra, nút thắt của ngành sẽ được cởi bỏ.
 

Bên cạnh đó, thành phố cần quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững, giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, xây dựng thành phố thông minh, đáng sống, giải quyết triều cường, giải quyết tắc nghẽn giao thông. Khi giải quyết được những vấn đề đó, nhà đầu tư nước ngoài sẽ thấy tiềm năng để đầu tư.
 

Một trong những vấn đề cấp bách khác mà lãnh đạo thành phố cần thực hiện là xây dựng cơ chế cho bộ máy chính quyền dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Rất nhiều ý kiến cho rằng tại sao TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam lại ít được đầu tư các tuyến đường cao tốc so với một số tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh? Theo tôi, không phải do Trung ương không ưu ái TP.HCM và các tỉnh phía Nam bởi ngân sách năm 2022 chưa tiêu hết. Điều quan trọng là nội tại TP.HCM đã thực sự quyết liệt, dám làm, dám chịu hay chưa? Tuyến metro vẫn ì ạch, nhiều tuyến giao thông khởi công rồi treo tại đó, bộ máy chính quyền còn cồng kềnh, nói nhiều mà chưa thực hiện được nhiều.
 

Chúng ta cứ kêu gọi DN vượt khó, nhưng DN vượt khó trên nền tảng nào, nếu với bộ máy hành chính ì ạch như hiện tại thì sao vượt khó nổi? Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì DN Việt bị DN nước ngoài thôn tính chỉ là vấn đề thời gian, thậm chí nhiều DN còn nói là mong được DN nước ngoài mua lại. Đó là điều vô cùng nguy hiểm với nền kinh tế. Nếu không giải quyết được điều này thì chỉ các số kinh tế của TP.HCM vẫn tiếp tục thấp. 
 

Xem thêm các ý kiến, kiến nghị của nhiều doanh nhân nhằm hiến kế chặn đà suy giảm kinh tế tại link: https://doanhnhansaigon.vn/thoi-su-trong-nuoc/doanh-nhan-hien-ke-chan-da-suy-giam-kinh-te-bai-3-y-kien-chuyen-gia-1116675.html

Tags : SACA2023