Chiều ngày 26/11, Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP. Hồ Chí Minh (SACA) tổ chức chương trình giao lưu kết nối giữa các doanh nghiệp Hội viên SACA và 19 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Công nghệ Chất kết dính và Sơn tỉnh Chiết Giang (ZATA). Sự kiện là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, tạo cầu nối giao thương giữa hai ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam và Trung Quốc.
Cầu nối hợp tác giữa hai nền kinh tế phát triển nhanh
Buổi giao lưu có sự tham gia của ông Đinh Hồng Kỳ – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký SACA, ông Ngô Hoài Đức – Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ, cùng đại diện từ 11 doanh nghiệp Hội viên SACA. Phía ZATA có ông Gu Wen Long – Phó Tổng Thư ký, dẫn đầu 19 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sơn và chất kết dính xây dựng từ tỉnh Chiết Giang.
Phát biểu tại sự kiện, ông Đinh Hồng Kỳ chia sẻ: “Hiệp hội SACA rất tự hào khi quy tụ các doanh nghiệp hội viên uy tín, từ những thương hiệu sơn hàng đầu thế giới như Jotun, Dulux, Nippon Paint, đến các thương hiệu trong nước như Hi-Pec, Lavis, Valenta, và những nhà sản xuất chất kết dính lớn như Apollo Silicone, Joinbond. Ngành sơn và chất kết dính tại Việt Nam hiện đang phát triển mạnh mẽ, với sự hiện diện của hầu hết các tập đoàn lớn trên thế giới. Chúng tôi coi đây là cơ hội để tăng cường hợp tác, chuyển giao công nghệ và phát triển thị trường giữa hai nước”.
Tiềm năng của ngành sơn và chất kết dính
Ngành công nghiệp sơn và chất kết dính tại Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong thập kỷ qua. Việt Nam không chỉ là thị trường tiêu thụ sơn lớn, với nhu cầu từ lĩnh vực xây dựng, nội thất, và công nghiệp nặng, mà còn là một trung tâm sản xuất quan trọng trong khu vực. Các nhà máy sản xuất hiện đại của các tập đoàn lớn đã chọn Việt Nam làm điểm đến chiến lược nhờ lợi thế nguồn nhân lực, chi phí cạnh tranh, và chính sách thu hút đầu tư.
Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ và sản xuất sơn lớn nhất thế giới, với các doanh nghiệp dẫn đầu về công nghệ và sản lượng. Chiết Giang – một trong những trung tâm công nghiệp hàng đầu của Trung Quốc – không chỉ là nơi tập trung các công ty sơn phủ và chất kết dính mà còn là điểm khởi nguồn cho những đổi mới về công nghệ sản xuất xanh và bền vững.
Ông Gu Wen Long, Phó Tổng Thư ký ZATA, cũng bày tỏ: “Việt Nam là đất nước có nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển ngành sơn và chất kết dính. Chúng tôi nhận thấy đây là một hướng đi mới cho Trung Quốc để đầu tư ra thị trường nước ngoài và tăng cường hợp tác song phương. Cuộc gặp ngày hôm nay là tiền đề và cột mốc quan trọng để xây dựng mối quan hệ lâu dài giữa hai bên”.
Định hướng hợp tác trong tương lai
Buổi giao lưu không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác mà còn nhằm mở ra nhiều hướng đi mới cho ngành sơn và chất kết dính. Đại diện các doanh nghiệp đã thảo luận về việc chia sẻ công nghệ, đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam, cũng như khai thác thị trường tiêu thụ tại Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á.
Hiệp hội SACA và ZATA đều nhận định rằng sự hợp tác trong lĩnh vực này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh cả hai nước đang chú trọng vào sản xuất bền vững và sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Sự kiện giao lưu này thể hiện vai trò ngày càng lớn của các hiệp hội trong việc kết nối doanh nghiệp và xây dựng cầu nối hợp tác quốc tế, khẳng định tiềm năng và triển vọng hợp tác rộng lớn giữa Việt Nam và Trung Quốc trong ngành sơn và chất kết dính.