TIN TỨC

CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ CUỘC ĐUA SỐNG CÒN - Kỳ 1

Thứ năm, 20/07/2023, 09:44 GMT+7 630
Thứ năm, 20/07/2023, 09:44 GMT+7
z4531546895258_e8c04b5e45d49d3194bfc3cd660f16da


Chuyển đổi số ở Việt Nam đã có sự khác biệt rõ rệt so với những năm trước và đã trở thành nhu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải tham gia để không bị tụt lại phía sau. Với xây dựng – lĩnh vực chiếm 30% - 40% tổng vốn đầu tư xã hội thì việc chuyển đổi số không những tạo ra giá trị thặng dư vô cùng to lớn cho xã hội, mà còn tối ưu năng suất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, dịch vụ. Đặc biệt là trong bối cảnh ngành xây dựng đang phải đối mặt với mức độ cạnh tranh gay gắt, không chỉ diễn ra giữa các doanh nghiệp nội địa mà còn có sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài đến từ EU, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc... và cả các nước thuộc ASEAN.
 

Văn phòng Hiệp hội xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA) có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Ngọc Thủy – Giám đốc Điều hành văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV) xoay quanh vấn đề Chuyển đổi số ngành Xây dựng.
 

Xin bà cho biết, bức tranh chuyển đổi số quốc gia hiện đang như thế nào, và chuyển đổi số của doanh nghiệp đóng vai trò gì trong đó, thưa bà?
 

Thời gian qua, chúng ta đã nói rất nhiều về chuyển đổi số và cũng chứng kiến nhiều chuyển dịch, hành động của cả 2 hai khu vực công – tư trong lĩnh vực này, từ chính sách tới thực thi các chính sách liên quan, rồi hàng loạt sáng kiến, bước tiến cụ thể của doanh nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh hơn hai năm xảy ra đại dịch COVID-19, bức tranh chuyển đổi số có những bước tiến mạnh mẽ và hiện nay tất cả đều hiểu được tầm quan trọng của quá trình này. Ai cũng biết chuyển đổi số không còn là xu hướng, là trào lưu để theo hay không theo, mà đã là giai đoạn bắt buộc để cạnh tranh, để tồn tại, cho dù là xét trên bình diện một quốc gia, hay nền kinh tế hay một doanh nghiệp cụ thể.
 

Ở góc nhìn của tôi, qua kinh nghiệm trong lĩnh vực này, để đạt những kết quả như kỳ vọng, quá trình chuyển đổi số quốc gia phải diễn ra song hành và đồng bộ ở cả 2 “mặt trận”: chuyển đổi để hướng tới Chính phủ số và doanh nghiệp số.
 

Về phía góc độ quản lý nhà nước, trọng tâm là phải tối đa hóa giá trị dữ liệu, nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp theo hướng lấy người dùng làm trung tâm. Việc kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đặc biệt là dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương sẽ giải quyết được điều này, khi đó người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp thông tin thủ công nhiều lần cho cơ quan nhà nước, đơn vị cung cấp dịch vụ, tránh được trùng lặp, gây lãng phí.
 

Tuy còn nhiều thách thức liên quan đến việc xây dựng dữ liệu mở nhưng quá trình chuyển đổi đang diễn ra và đã có nhiều cải thiện thời gian qua. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, hiện tại Việt Nam xếp hạng 76/193 quốc gia về chỉ số dịch vụ trực tuyến (OSI – Online Service Index), tăng 5 bậc so với năm 2020.
 

Ngoài ra, theo Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), hiện nay, 100% doanh nghiệp đã sử dụng chữ ký số, chủ yếu trong các dịch vụ như kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội. Đây là một yếu tố tích cực cho doanh nghiệp khi tham gia các hoạt động giao dịch số với cơ quan nhà nước, là điều kiện không thể thiếu hướng tới chính phủ số trong tương lai.
 

Về phía doanh nghiệp, tất nhiên không có một mô hình, quy trình chuyển đổi số nào dùng chung cho tất cả. Mỗi doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác nhau, với quy mô, nguồn lực khác nhau, sẽ đối mặt với những bài toán khác nhau và cần ứng dụng những cách thức chuyển đổi số tùy với tình hình thực tế. Như đã đề cập ở trên, việc chúng ta nói nhiều, nói thường xuyên đã giúp doanh nghiệp nhận ra đích đến và giá trị của chuyển đổi số. Nhưng giống như một cuộc đua, phần lớn đều đang ở vạch xuất phát, do dự và nhìn động thái của nhau. Rào cản tâm lý “ngại” chuyển đổi số của doanh nghiệp chủ yếu là dạng câu hỏi chi phí - lợi nhuận, mà bỏ quên mất chi phí cơ hội nếu chúng ta chần chừ, do dự.
 

Điều quan trọng là phải “chạy” đã, nguồn kinh phí ở mức độ nào thì chuyển đổi số ở mức đó, cần có thứ tự những chức năng ưu tiên. Mọi doanh nghiệp đều có thể bắt đầu từ bộ phận kinh doanh và vận hành online, trước khi bắt tay vào những quy trình phức tạp hơn như sản xuất. Mặc dù bức tranh chung còn nhiều thách thức nhưng từ phía doanh nghiệp, cũng có rất nhiều câu chuyện tạo động lực mạnh mẽ về chuyển đổi số trong thời gian qua, như chuyển dịch của nhiều doanh nghiệp lĩnh vực bán lẻ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính, logisitics, gần đây nữa là nỗ lực của một ngành sản xuất rất nhiều công đoạn như ngành chế biến gỗ… những chuyển dịch này cho chúng ta niềm tin vào sự quyết tâm và khả năng bứt phá của doanh nghiệp Việt.


Ngày 22/07/2023 (Thứ Bảy), Ban Khoa học và Công nghệ Hiệp hội SACA tổ chức chương trình Chương trình ‘’Tea & conXtech’’. Chương trình nằm trong kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ban Khoa học Công nghệ Hiệp hội SACA.
 

Kính mời Quý Hội viên, Quý Doanh nghiệp đăng ký tham dự.
 

z4531273228080_f4a68e167763d2f2c8b43d38f2ffa4ce