TIN TỨC

CÔNG TRÌNH XANH - XU HƯỚNG TẤT YẾU TRONG TƯƠNG LAI

Thứ bảy, 10/12/2022, 16:24 GMT+7 653
Thứ bảy, 10/12/2022, 16:24 GMT+7

Với cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc COP26 vào năm 2021, việc phát triển công trình xanh nhận được sự quan tâm hơn bao giờ hết. Điều này sẽ đặt ra các yêu cầu cao hơn cho các chủng loại vật liệu xây dựng, trang thiết bị công trình, đặc biệt là trong các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, để mang lại hiệu quả vận hành tối ưu, bền vững hơn để giảm thiểu các tác hại của môi trường, cũng như chi phí vận hành, sử dụng trong tương lai.
 

Công trình xanh tại Việt Nam
 

Công trình xanh tại Việt Nam được bắt đầu từ quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCVN 09:2005/QĐ-BXD cho Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả. Trải qua gần 12 năm, kể từ khi có chứng chỉ công trình xanh đầu tiên tại Việt Nam với chuẩn LEED vào năm 2010, cùng năm này Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam đã ban hành hệ thống đánh giá công trình xanh đầu tiên dành riêng cho Việt Nam, thị trường công trình xanh đã có những bước phát triển, mặc dù còn tương đối chậm so với các nước trong khu vực như Đài Loan (> 6.000 công trình xanh), Singapore (> 3.000 công trình xanh), và Malaysia (> 1.000 công trình xanh).
 

Theo thống kê gần đây nhất 'Tổng quan Thị trường Công trình Xanh Việt Nam' vào Quý 3/2022, thì Việt Nam hiện có 242 dự án với tổng 6,195,403 m2 sàn xây dựng đã đạt chứng chỉ Công trình Xanh chính thức, nghĩa là sau khi công trình hoàn công và đưa vào sử dụng.
 

Trải qua hơn 12 năm hình thành và phát triển, Việt Nam đã có 3 hệ thống chứng chỉ đánh giá công trình xanh lớn và phổ biến là LEED, LOTUS và EDGE. Công trình đạt chuẩn LEED đầu tiên tại Việt Nam trong năm 2010, đạt chuẩn LOTUS đầu tiên trong năm 2012 và đạt chuẩn EDGE đầu tiên vào năm 2015.
 

Phần lớn các chứng chỉ xanh đều được đánh giá chia làm 2 giai đoạn: Đánh giá Thiết kế và Đánh giá Thi công. Tùy theo mỗi chứng chỉ mà sẽ có những yêu cầu cụ thể khác nhau cho từng thể loại công trình xây dựng. 

ARDORGreen-Page1

Các dự án công trình xanh được thiết kế thụ động, gần gũi với thiên nhiên, mang không gian cây xanh vào bên trong đã không còn quá xa lạ tại thị trường Việt Nam.
 

Tuy nhiên để có chứng chỉ công trình xanh được thẩm định độc lập thì hiện có 246 công trình, tại thời điểm nghiên cứu, với nhà máy xanh, văn phòng xanh chiếm ưu thế. Trong đó, trên 50% công trình xanh theo chứng chỉ LEED, và trên 50% công trình xanh tại Miền Nam.
 

Nhà máy xanh hiện có tỷ lệ công trình xanh lớn nhất tại Việt Nam với 96/246 công trình, đạt 39% tổng số lượng công trình xanh tại Việt Nam. Một số các công trình tiêu biểu như Lego Factory, ATAD Factory, Boho Decor Factory, DBW Factory...
 

Văn phòng xanh đạt 59/246 công trình, đạt 24% với các công trình tiêu biểu như President Place, Deutsch Haus, REE Tower, Capital Place, Viettel Headquarters...
 

Chung cư và nhà ở xanh đạt 39/246 công trình, đạt 15% với các công trình tiêu biểu như Ecopark Aquabay Tower, The Habitat Bình Dương, Diamond Lotus Riverside, Riviera Cove...
 

Các nhóm công trình xanh khác như Khách sạn xanh (17/246 công trình, tỷ lệ 6.9%), Trường học xanh (12/246 công trình, tỷ lệ 4.9%), Không gian thương mại, nội thất xanh (23/246 công trình, tỷ lệ 9.4%) cũng góp phần lớn trong quá trình xanh hóa tại Việt Nam với các công trình tiêu biểu như: Pouchen Green World Kindergarten, Concordia International School, Flamingo Cát Bà Resort, Intercontinental Hạ Long Bay, Big C Supermarket, Saint-Gobain Office...
 

 

screenshot_1670664856


Thách thức của doanh nghiệp
 

Trong khoảng hai năm gần đây, xu hướng về ESG (Environmental - Social - Governance) với các tiêu chuẩn, chỉ số đánh giá cụ thể hơn về Môi trường - Xã hội - Quản trị, đã được nhiều tập đoàn đa quốc và các công ty lớn đưa vào các buổi trao đổi cho sự phát triển bền vững. Các yêu cầu về Môi trường như công trình xanh, năng lượng sử dụng, mức độ phát thải khí nhà kính, các tác động lên nguồn tài nguyên thiên nhiên, về Xã hội như quyền lao động, không gian làm việc, sức khỏe của người lao động, và Quản trị như lương thưởng, đạo đức kinh doanh đã được đề cập chi tiết hơn. Do vậy, các bộ công cụ đánh giá về ESG như GRESB đã bắt đầu được sự quan tâm của các chủ đầu tư dự án.
 

Các công trình xây dựng xanh trong tương lai cần được thiết kế, xây dựng và vận hành để đáp ứng nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá khác nhau với mục tiêu nâng cao hiệu quả vận hành, mang lại sức khỏe tốt hơn cho người sử dụng và cắt giảm dần lượng phát thải.
 

Thực tế nhiều chủ đầu tư công trình xanh đều hướng đến mục đích thương mại, hơn là vì môi trường và cộng đồng xã hội, vốn tốn thời gian và nhiều khó khăn hơn trong quá trình triển khai. Thị trường công trình tại Việt Nam chưa thực sự hình thành, và các yêu cầu về công trình xanh từ phía người sử dụng còn thiếu.
 

Công trình xanh cần được áp dụng từ những bước đầu tiên trong giai đoạn thiết kế, tốt nhất tại giai đoạn thiết kế ý tưởng, khi các bên tư vấn thiết kế cùng trao đổi các chiến lược giải pháp xanh cùng chủ đầu tư, ban quản lý dự án, đội ngũ marketing và đơn vị vận hành. Khi được áp dụng sớm từ ban đầu, chi phí để xây dựng công trình xanh đạt chuẩn sẽ không cao, thông thường chỉ chiếm 2 - 5% tổng mức đầu tư dự án, và nhiều giải pháp sẽ có khả năng hoàn vốn trong 5 - 10 năm dựa trên việc tiết kiệm chi phí điện, nước và quan trọng là việc cải thiện năng suất lao động.
 

Để công trình xanh phát triển trong những năm tiếp theo, thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) thì các doanh nghiệp cần hoàn chỉnh hạ tầng cơ sở dữ liệu cho các vật liệu xây dựng, trang thiết bị đạt chuẩn; có các chính sách hỗ trợ, đào tạo và áp dụng thiết kế xanh trong từng công trình, dự án; và có những kiến nghị chính sách ưu đãi của chính phủ dành cho việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam.
 

 

Tác giả: KTS. Vũ Linh Quang
Thành viên BGĐ Hội đồng Công trình xanh Việt Nam
Giám đốc Điều hành ARDOR Green