TIN TỨC

ĐÁNH GIÁ VÒNG ĐỜI SẢN PHẨM (LCA) - HƯỚNG TIẾP CẬN NHẰM GIẢM PHÁT THẢI CHO NGÀNH XÂY DỰNG

Thứ hai, 19/02/2024, 08:56 GMT+7 443
Thứ hai, 19/02/2024, 08:56 GMT+7
z5172109540966_bca842ca47a2bdfc32b5815f515b51a6


ÁP LỰC TỪ HỆ THỐNG PHÂN PHỐI TẠI CHÂU ÂU
 

Từ đầu năm 2023, các kênh phân phối của Secoin tại Anh, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển đã yêu cầu gửi các chứng nhận xanh cho sản phẩm và quan tâm đến việc các sản phẩm của chúng tôi sản xuất đã có LCA (Life Cycle Assessment - Đánh giá vòng đời sản phẩm) và EPD (Environmental Product Declaration - Tuyên bố môi trường về sản phẩm) chưa. Chia sẻ với các đối tác rằng Secoin đang thực hiện LCA cho sản phẩm gạch nghệ thuật của mình, các đối tác bày tỏ mong muốn có được bản LCA và chứng nhận EPD càng sớm càng tốt. Gần đây nhất, vào những ngày cuối tháng 1/2024, chuỗi cung ứng Adeo Group của Pháp đã cử đoàn đánh giá sang thăm và tìm hiểu những hoạt động bảo vệ môi trường và giảm phát thải tại nhà máy sản xuất của Secoin.
 

ĐỘNG LỰC TỪ NGHIÊN CỨU THỊ TRƯỜNG BẮC MỸ
 

Quý III năm 2023, khi thực hiện một dự án nghiên cứu thị trường chuyên sâu về gạch trang trí của Secoin ở Bắc Mỹ với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong ngành tại Mỹ và Canada, kết quả nghiên cứu thị trường cũng chỉ ra rằng “Sustainable” là một trong những hướng đi mà Secoin cần chú trọng để tạo được vị thế lâu dài cho thương hiệu và sản phẩm. Các chuyên gia tư vấn của Secoin đã nhấn mạnh rằng việc áp dụng LCA và có chứng nhận EPD là nền tảng quan trọng để đưa sản phẩm Secoin vào các dự án xây dựng xanh.
 

Theo thống kê, ngành xây dựng đang đóng góp 39% lượng phát thải trên toàn cầu, một thực tế đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành phải cùng chung tay hành động. Trong một buổi cùng các doanh nghiệp SACA tới thăm văn phòng của Tập đoàn Saint-Gobain tại TP.HCM, tôi khá ấn tượng khi Tổng Giám đốc của Saint-Gobain Việt Nam chia sẻ với đoàn về một trong những mục tiêu phát triển bền vững của tập đoàn tới năm 2030 là 100% sản phẩm do Saint-Gobain sản xuất đều áp dụng LCA. Tự liên hệ với bản thân doanh nghiệp mình với mục tiêu hoàn thành LCA cho sản phẩm then chốt đầu tiên vào tháng 6 năm 2024, chúng tôi nhận thấy cần đẩy nhanh hơn nữa tiến trình LCA để theo kịp các “ông lớn” trong ngành xây dựng và vật liệu xây dựng trên thế giới, cũng như để nâng cao sức cạnh tranh của mình trong cuộc chơi toàn cầu.
 

VẬY LCA LÀ GÌ?
 

Theo United States Environmental Protection Agency (EPA), 'LCA là một kỹ thuật đánh giá các khía cạnh môi trường và tác động tiềm ẩn liên quan đến một sản phẩm, quy trình, hoặc dịch vụ”.
 

Vòng đời của một sản phẩm vật liệu xây dựng bắt đầu từ việc khai thác nguyên liệu thô và chuyển đến các nhà máy sản xuất, sau đó thành phẩm vật liệu xây dựng được vận chuyển đến điểm phân phối tại thị trường nội địa hoặc thậm chí là toàn cầu. Sản phẩm được sử dụng, sửa chữa và bảo dưỡng. Cuối cùng, tại giai đoạn sau khi sản phẩm đã đến cuối vòng đời, thay vì bị lãng phí, chúng có thể được tái chế hoặc tái sử dụng ở nơi khác. Khái niệm cụ thể này của vòng đời được gọi là 'cradle-to-cradle,' thường được nhắc đến trong bối cảnh của Nền Kinh tế tuần hoàn, khác với một quy trình tuyến tính không bền vững với sản phẩm bị vứt bỏ ở cuối vòng đời.
 

Picture1
Hướng dẫn để thực hiện Đánh giá vòng đời LCA được dựa trên các tiêu chuẩn liên quan ISO 14040, ISO 14044 và TCVN ISO 14044:2011


LCA ĐEM LẠI NHỮNG LỢI ÍCH GÌ CHO NGÀNH XÂY DỰNG?
 

Có thể tóm tắt những lợi ích cơ bản mà việc Phân tích vòng đời sản phẩm mang lại gồm:
 

• Ra quyết định dựa trên bằng chứng: Đánh giá chu kỳ đời (LCA) cung cấp dữ liệu chính xác và đáng tin cậy để hỗ trợ quá trình ra quyết định. Việc này giúp kiến trúc sư, kỹ sư và các chuyên gia ngành xây dựng đưa ra lựa chọn bền vững về vật liệu, phương pháp xây dựng và thiết kế.
 

• Giảm lượng khí thải carbon: Bằng cách xác định các “điểm nóng” về carbon trong suốt chu kỳ đời của một công trình xây dựng, LCA giúp các chuyên gia triển khai các biện pháp cụ thể để giảm lượng khí thải. Điều này dẫn đến các dự án xây dựng có dấu chân carbon thấp hơn.
 

• Lợi ích kinh tế: Tích hợp nguyên tắc của LCA có thể mang lại tiết kiệm chi phí. Bằng cách tối ưu hóa việc sử dụng vật liệu và cải thiện hiệu suất năng lượng, các chuyên gia xây dựng có thể giảm chi phí vận hành trong suốt tuổi thọ của công trình.
 

• Ưu thế cạnh tranh: Bền vững đã trở thành một tiêu chí quan trọng khi khách hàng lựa chọn đối tác xây dựng. Bằng cách áp dụng LCA và thể hiện cam kết đối với việc giảm lượng khí thải carbon, các công ty xây dựng có thể đạt được ưu thế cạnh tranh trên thị trường.
 

Picture2


LCA cung cấp cái nhìn toàn diện về ảnh hưởng môi trường của sản phẩm và quy trình xây dựng, từ đó khuyến khích sự sáng tạo và tiến bộ trong ngành. Đây là trách nhiệm chung của cộng đồng xây dựng để chủ động giảm tác động tiêu cực lên môi trường và xây dựng một tương lai bền vững, nơi mọi cá nhân và doanh nghiệp đều đóng góp vào mục tiêu bảo vệ môi trường toàn cầu. Việc thực hiện Đánh giá vòng đời (LCA) trong ngành xây dựng không chỉ là cần thiết mà còn là chìa khóa quan trọng để giảm thiểu phát thải và hướng tới mục tiêu net zero chung của đất nước.