TIN TỨC

ĐÔ THỊ HÓA VÀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU: THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thứ ba, 19/09/2023, 15:40 GMT+7 586
Thứ ba, 19/09/2023, 15:40 GMT+7

 

Là một trong những địa phương trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 hướng đến phát triển bền vững; từng bước giải quyết các vấn đề về quy hoạch, ô nhiễm không khí, triều cường và quan trọng hơn là “ý thức xanh” trong từng doanh nghiệp, người dân. Thành phố đã ban hành các ý tưởng, kế hoạch về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng… tuyên truyền ý thức tăng trưởng xanh cùng thông điệp “bảo vệ môi trường cũng là bảo vệ chính mình”.
 

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 4 năm 2023 với chủ đề: “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải bằng không” là hoạt động thiết thực để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh của Việt Nam và các nước, qua đó giúp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp Thành phố về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững; góp phần phát triển kinh tế đất nước và Thành phố một cách bền vững, tạo điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội quảng bá các sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh; tạo động lực và khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, tuần hoàn. Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) tổ chức hội thảo với chủ đề “Đô thị hóa và Biến đổi khí hậu: Thách thức và giải pháp”. Đây là dịp để các doanh nghiệp của Việt Nam và Vương Quốc Bỉ gặp gỡ, giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực thế mạnh của Bỉ như xây dựng thông minh, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn. Hội thảo này không chỉ mang ý nghĩa thời sự đối với sự phát triển của hai địa phương Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Flanders, mà còn là minh chứng cho tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Bỉ cũng như tinh thần trách nhiệm của hai nước trong việc xây dựng thế giới xanh, hiện đại và bền vững.

 

screenshot_1695088779

Ông Ngô Minh Châu - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: hợp tác kinh tế luôn là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt - Bỉ. Vương quốc Bỉ đóng vai trò cửa ngõ của hàng hóa Việt Nam vào thị trường châu Âu, và cũng là nơi đặt trụ sở của các cơ quan, tổ chức quốc tế, nhiều doanh nghiệp quốc tế. Hai nước đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc từ khi Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8/2020. Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức kỷ lục 4,73 tỷ USD. Vương quốc Bỉ luôn nằm trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong EU và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Bỉ trong ASEAN. 
 

Riêng với TPHCM, Bỉ là một trong những đối tác thương mại và đầu tư quan trọng; từ năm 2015 đến nay hai bên đã triển khai nhiều dự án thiết thực về phát triển cảng biển, nông nghiệp, y tế, xã hội… mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Kim ngạch xuất nhập khẩu lũy kế 7 tháng năm 2023 giữa Thành phố Hồ Chí Minh – Vương Quốc Bỉ đạt gần 400 triệu đô la Mỹ. Vương Quốc Bỉ có 89 dự án đang hoạt động tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư gần 1,1 tỷ đô la Mỹ, đứng vị trí 23/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Riêng Thành phố Hồ Minh có 43 dự án, vốn đầu tư gần 9,5 triệu đô la Mỹ.
 

z4695776817138_5b885dc4c26b69fda59b72c501097083


Tại Hội thảo Ngài Jan Jambon, Bộ trưởng – Thủ hiến Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Văn hóa, Công nghệ Thông tin và Quản lý cơ sở vật chất vùng Flanders nhấn mạnh và chia sẻ 03 sáng kiến nổi bật:
 

1. Thỏa thuận xanh nhằm giải quyết các vấn đề khan hiếm nước cũng như lũ lụt. Thông qua sự kết hợp các biện pháp bảo vệ cứng rắn ở các khu vực đô thị, chẳng hạn như bến cảng sông Scheldt ở Antwerp và tòa nhà với các mảng xanh, Flanders đang chuẩn bị để ứng phó với mực nước biển dâng cao cũng như mưa xối xả và hạn hán. Bằng cách này, Flanders đang thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa để bảo vệ người dân và nền kinh tế.

2. Chính sách chuyển đổi môi trường được xây dựng nhằm bảo vệ không gian trống ở khu vực thành thị và nông thôn. Flanders đang áp dụng một cách mới để xem xét quy hoạch đô thị, đô thị hóa có tính đến nhiều yếu tố như khả năng di chuyển, không gian xanh…

3. Việc xây dựng Thỏa thuận Xanh phản ánh cách thiết kế các tòa nhà theo hướng bền vững hơn. Với hơn 100 dự án, từ gạch sử dụng CO2 và xỉ thép đến nhà trượt và thiết kế nội thất hình tròn. Trong dự án này, một số công cụ và hướng dẫn hỗ trợ chính sách cũng được phát triển cho các tòa nhà bền vững. Dự án này minh họa cách tiếp cận đổi mới của người dân Flanders. Sự hợp tác giữa các viện nghiên cứu, chính phủ và các công ty để tìm ra giải pháp mới.
101

Thông qua chương trình lần này sẽ hỗ trợ cung cấp cho các doanh nghiệp những giải pháp tiên tiến, Kỹ thuật xây dựng bền vững, thiết kế chống lũ lụt… để có thể hướng tới mục tiêu xây dựng lối sống xanh, hòa hợp với thiên nhiên, xây dựng Thành phố trở thành một đô thị xanh, thông minh và tạo lập văn hóa tiêu dùng bền vững trong các tầng lớp dân cư; đây là yêu cầu tất yếu của Việt Nam và là xu thế chung mà tất cả mọi quốc gia trên thế giới đều mong muốn đạt tới. 
z4695730397992_100eae3605d6b51421309f2c3d4685bb
Xem tài liệu tại đây: https://saca.com.vn/vnt_upload/news/09_2023/TAILIEU_15.9.pdf
Xem bài viết liên quan: http:// https://saca.com.vn/vn/hiep-hoi-saca-ket-noi-mo-rong-moi-quan-he-hop-tac-cung-doanh-nghiep-bi-1694779624.html