TIN TỨC

YẾU TỐ THÚC ĐẨY DOANH NGHIỆP BƯỚC CHÂN VÀO CUỘC ĐUA CHUYỂN ĐỔI SỐ - Kỳ 2

Thứ tư, 26/07/2023, 10:39 GMT+7 717
Thứ tư, 26/07/2023, 10:39 GMT+7
screenshot_1690343964Bà Phạm Thị Ngọc Thủy – Giám đốc Điều hành văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV) xoay quanh vấn đề Chuyển đổi số ngành Xây dựng

Như bà đã nói, chuyển đổi số hiện nay là cuộc đua sống còn, chỉ có cá nhanh và cá chậm, vậy các yếu tố để thúc đẩy doanh nghiệp bước chân vào cuộc đua là gì?
 

Một con số đáng chú ý là tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai chuyển đổi số hiện này là hạn chế, chỉ chiếm khoảng 15% (theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin VINASA). Vấn đề hạn chế tài chính và chưa nắm bắt được hết các cơ hội chính là rào cản khiến việc chuyển đổi số tại doanh nghiệp đang diễn ra rời rạc.
 

Về vấn đề tài chính, chuyển đổi số không phải sân chơi riêng dành cho các doanh nghiệp lớn với nguồn tài chính luôn sẵn sàng. Với bất cứ quy mô, nguồn lực nào, doanh nghiệp cũng có thể xây dựng được cho mình một kế hoạch chuyển đổi số phù hợp, ưu tiên những chức năng đơn giản và đem lại hiệu quả nhìn thấy được như chức năng vận hành (số hóa hệ thống giấy tờ, sổ sách, báo cáo, tối ưu hóa năng suất làm việc của nhân viên), hay chức năng kinh doanh (đưa việc kinh doanh lên các nền tảng online để tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh). Đó là vấn đề nằm ở tư duy nắm bắt cơ hội của lãnh đạo doanh nghiệp.
Về chiến lược dài hơi, lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần nhìn nhận để nắm bắt được những xu hướng mới đang và sẽ diễn ra.
 

Thứ nhất, COVID-19 vừa là thách thức, những cũng là cơ hội cho rất nhiều doanh nghiệp nhận diện được thời cơ. Ba tác động tiêu cực rõ nhất mà COVID-19 gây ra cho các doanh nghiệp là: (i) không tương tác trực tiếp với khách hàng, (ii) suy giảm trong doanh số và (iii) gián đoạn hoạt động kinh doanh sản xuất. Tuy nhiên, cũng đã có nhiều doanh nghiệp ứng phó lại bằng các công cụ số, tận dụng công nghệ để cải thiện hợp tác làm việc từ xa, ứng dụng công nghệ số đảm bảo vận hành liên tục, và phát triển tiếp thị kinh doanh trực tuyến. Những điều này không nên được coi là cách thức ứng phó mang tính ngắn hạn, vì những kết quả mà chuyển đổi số mang lại là năng suất thật, hiệu quả kinh doanh thật, do đó cần được duy trì và gắn liền với chiến lược kinh doanh lâu dài, mang tính bền vững để ứng phó với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác trong tương lai.
 

Thứ hai, phát triển xanh, bền vững thời gian tới cũng sẽ là yêu cầu bắt buộc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thương mại, đầu tư thế giới đang dần định hình những quy tắc, quy định mới theo hướng này. Ở trong nước, xuất phát từ thực tiễn triển khai các cam kết giảm phát thải của Việt Nam tại COP-26, hành lang pháp lý và các quy định chính sách cũng đang có sự chuyển dịch. Doanh nghiệp Việt dù muốn hay không cũng phải tham gia cuộc đua này. Và chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ chính là phương thức nhanh và hiệu quả nhất. Do đó chuyển đổi số gắn với phát triển xanh, bền vững là tất yếu và tối ưu đối với doanh nghiệp: (1) CĐS giúp DN gia tăng trải nghiệm, cá nhân hóa sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng, nhờ đó giúp giảm sản xuất ra các sản phẩm dư thừa, thải bỏ ra môi trường; (2) CĐS giúp DN mở rộng thị trường và tập khách hàng thông qua việc tạo ra các kênh phân phối mới, giảm chi phí lưu kho, vận chuyển, nhờ đó giảm phát thải ra môi trường. Trong lĩnh vực công nghiệp, ứng dụng CĐS giúp DN có điều kiện áp dụng công nghệ mới, xanh, sạch, tự động hóa, sử dụng năng lượng tự nhiên. Còn trong lĩnh vực nông nghiệp, giải pháp công nghệ số giúp cải thiện nhiều khía cạnh trong chuỗi giá trị, thông tin chuyên sâu từ dữ liệu số giúp nâng cao hiệu quả và lợi nhuận. Bên cạnh đó, công nghệ số thúc đẩy hành vi tiêu dùng xanh, qua đó thúc đẩy sản xuất xanh.
 

DSC01631-1024x683Bà Phạm Thị Ngọc Thủy – Giám đốc Điều hành văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV) tại buổi Hội thảo Chuyển đổi số ngành gỗ 23/09/2022


Nhìn vào đó để thấy được, DN nên chủ động, mạnh dạn hơn. Nếu muốn tồn tại và phát triển lâu dài thì cần sớm nhận diện động lực và thách thức và thấy tầm quan trọng thực sự của CĐS để biến những thách thức thành cơ hội.
 

Kính mời quý độc giả đón đọc Kỳ 3: Chuyển đổi số - Những câu chuyện điển hình.
 

Xem thêm bài viết liên quan: Kỳ 1: Chuyển đổi số là cuộc đua sống còn